Đừng để cho tấm áo trắng đổi màu
Ở góc độ nào đó, xưa nay, trẻ con thỉnh thoảng có gây gổ với nhau là chuyện bình thường. Nhưng đánh nhau theo kiểu đại bàng, ‘ra đòn” dã man và “cơm bữa” thế này thì không còn bình thường chút nào, đặc biệt là đối với những bạn trẻ đã không còn là trẻ con nữa.

Những lúc tôi nói chuyện về bạo lực học đường ở các trường trung học, khi đặt câu hỏi “Em sẽ làm gì khi thấy bạn mình đánh nhau?”, các em đã giơ tay chọn phương án trả lời như sau:
a. Mặc kệ hoặc ngồi xem: 25%
b. Hò hét cổ vũ: 50%
c. Xông vào đánh phụ: 10%
d. Xông vào can ngăn: 15%
Tuy con số chỉ mang tính học trò trả lời vui nhưng kết quả đó lại cho thấy đối với học sinh, chủ nghĩa makeno (mặc kệ nó) hay nhiệt tình cổ vũ khi bạn mình đánh nhau cũng chỉ là chuyện “bình thường thôi”.
Hiện tượng bạo lực học đường đang “nóng” lên gần đây cho thấy một thực trạng rõ ràng rằng: học sinh đang thiếu sự giáo dục về kỹ năng tháo gỡ mâu thuẫn và văn hóa trong ứng xử. Không chỉ vậy, cứ mỗi vụ đánh nhau của học sinh là mỗi lần chúng ta phải gật đầu công nhận rằng gia đình và nhà trường đã phần nào “bất lực” và thụ động trước việc ngăn ngừa những vụ bạo lực học đường.
Ngày nay, các tổ chức xã hội mà đặc biệt là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tiên phong đưa chương trình “Phòng chống bạo lực học đường” vào trong các trường trung học. Đây là một hành động hết sức tích cực cho thấy sự quan tâm của xã hội đến văn hóa ứng xử học đường. Nhưng thiết nghĩ động thái này đáng lẽ phải xuất phát trước tiên là từ ở nhà trường và từ trong mỗi gia đình. Để giáo dục học sinh đến nơi đến chốn thì bắt buộc phải giáo dục từ cái gốc của mỗi học sinh.
Làm sao để nói đến học trò là phải nghĩ ngay đến những cô bé cậu bé hồn nhiên trong tấm áo trắng tinh khôi chứ không phải nghĩ ngay đến giang hồ áo trắng. Thiết nghĩ đã đến lúc tất cả mọi người phải có những hành động cụ thể đừng để mặc cho chiếc áo trắng tinh khôi kia đang dần bị đổi màu.
Thạc sĩ tâm lý : Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu