Header ads

» » Cuộc sống sinh viên làm công nhân

(BCTT) “Đó là những ngày cực nhất, phức tạp nhất, nhiều kỷ niệm nhất và không thể nào quên…”, họ kể.

Đi làm công nhân để học thêm

Cô sinh viên quê Thanh Hóa Lê Thị Thủy cũng có những kỷ niệm nhớ đời khi vừa là sinh viên, vừa làm công nhân. Chưa vào năm nhất, trong khi đợi kết quả đại học, Thủy vào làm một Xưởng may Quận 7. Hè năm hai, Thủy đi làm công nhân 3 tháng ở một Công ty điện tử nước ngoài trong Khu Công nghệ cao, quận Thủ Đức.
Cuộc sống sinh viên làm công nhân
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Lúc còn làm công ty may, ngồi cả chục tiếng một ngày nhiều khi buồn ngủ, cắt sai, bị mắng, bị sai vặt, Thủy thấy vẫn chẳng cực bằng việc đứng máy trong dây chuyền làm linh kiện điện tử vào hè năm hai. Mỗi ngày Thủy phải đứng suốt 12 giờ liên tục. Làm ca ngày thì 5 giờ sáng Thủy đã dậy, đạp xe từ Làng đại học đến Khu công nghệ cao, rồi lại đạp về nhà lúc tốt mịt băng qua xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A đầy xe tải, nhiều hôm xe đạp hư, cứ thế mà dắt bộ cả tiếng đồng hồ…
Ca đêm thì Thủy làm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. “Ở chung bạn bè là sinh viên nên giờ giấc không thích hợp, Thủy cứ thiếu ngủ suốt. Mình cũng đã thấy những công nhân mới vào làm chịu không nổi ngất xỉu luôn. Mấy hôm đầu cũng đã nghĩ mình không đứng nổi, nhưng..”, Thủy cười.
Kinh hoàng nhất là có lần Thủy mệt quá, xin đi làm ca đêm muộn. Mười giờ đêm, Thủy phải đạp xe qua đoạn đường vắng nổi tiếng nguy hiểm gần khu Đại học Nông lâm và vào khu công nghiệp mênh mông, sợ đến dựng tóc gáy, Thủy kể.
Làm đến tháng thứ 3, mái tóc dài của Thủy bỗng rụng kinh khủng. Đến mức sáng ngủ dậy, Thủy không dám chải đầu, chỉ đội mũ lên đi làm. Và hậu quả của những ngày đi làm 12 tiếng một ngày, chỉ nghỉ được 5,10 phút sau giờ ăn trưa là chứng đau bao tử của Thủy, “bệnh công nhân mà”, Thủy chia sẻ.
Công việc của Thủy chỉ là đeo găng tay, quấn dây đồng linh kiện nhưng lại đòi hỏi sự tập trung cao độ, tránh tai nạn lao động. “Một mình đứng làm liên tục giữa 4 cỗ máy lớn, Thủy cứ hồi hộp lo sơ sẩy sẽ gãy kim máy (mỗi cây kim mười mấy triệu) hoặc bị máy cuốn đứt bàn tay, Thủy đã thấy có người bị con hàng bắn vào mắt, nên căng thẳng lắm”.
Môi trường làm việc thì nóng, ồn. Thủy bảo khi nghỉ làm, cái mùi nhựa, mùi hóa chất cực kỳ khó chịu bám vào mũ áo vẫn ám ảnh Thủy, Thủy đã vứt tất cả không dám nhìn nữa. “Công việc tăng ca một tháng được 3 triệu, làm gì giúp bố mẹ thì làm thôi. Ở nhà làm nông nghèo lắm…”
Sau 3 tháng đó, Thủy đã dành dụm được 7 triệu để dành học ngoại ngữ, tiếng anh, tiếng hoa, tin học, các môn nghiệp vụ… Số tiền để dành đến tận hè này. “Mình sinh viên thì nhiều khoản chi phí lắm, nhưng số tiền làm công nhân mô hôi nước mắt mình nhất định không dùng phạm vào, chỉ dùng vào học phí và lúc ốm đau”. Nghĩ lại, Thủy bảo, “chính môi trường làm công nhân đã rèn cho mình ý chí, sức chịu đựng ghê lắm, đến nỗi mình nghĩ, bây giờ, có cho mình làm công việc nặng nhọc đến đâu, mình cũng làm được”.

Chàng lớp trưởng từng là thợ gỗ

Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1988, lớp trưởng lớp Xã hội học K13, khoa Xã hội học, ĐH KHXH & NV TP. HCM đã có thâm niên làm thêm nhiều công việc nặng nhọc: thợ hồ, thợ gỗ… Lớp 12, thiếu nửa điểm Đại học Sư phạm Hà Nội, đi học cao đẳng được vài tháng, không thích, Tùng bỏ Hà Nội theo hàng xóm lên Cảng Cái Lân, Quảng Ninh làm công nhân bốc xếp gỗ và… đợi ngày ôn thi tiếp.
Cuộc sống sinh viên làm công nhân
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Ngày đó, công việc của Tùng là lao gỗ từ container, bốc gỗ từ cảng xuống bãi. Thời gian sau, Tùng lên cả vùng rừng Tiên Yên, Quảng Ninh đi khai thác gỗ: vác, cưa, lăn gỗ giữa hai khe đá. Cậu trai 18 tuổi nhỏ nhất đội chẳng mấy chốc quen với cuộc đời thợ gỗ: ngày lên rừng làm việc, tối ngủ trong chòi trên núi, thỉnh thoảng lại bị rết, bò cạp viếng thăm, rồi sáng ăn mì gói, bữa trưa lưng bụng với măng luộc, ốc đá.
Liều là thế, cũng có khi Tùng không khỏi rùng mình khi thấy có công nhân làm cùng bị gỗ quật gãy xương. Có ngày 3 giờ sáng, trời mưa lạnh, đang ngủ thì bị dựng dậy, cậu trai chân đất, đầu đội mũ tai bèo, ì ạch vác gỗ từ chân núi ra đường đến 8 giờ sáng, và… bỗng dưng thấy tủi thân! Lại có đêm rết cắn, khóc la đến chả ai ngủ được…
Vừa làm vừa ôn thi, Tùng vẫn mang theo viên phấn ôn bài khi rảnh. Có lần Tùng vô tư lấy phấn ghi lên gỗ vài con số địa lý vừa học, quản đốc bắt gặp, hiểu lầm Tùng phá phách, mắng cho một trận, còn định gây sự. Thấy Tùng bị bắt nạt, các chú các anh công nhân kéo tới bảo vệ. “Trước nghe an ninh ở đó khá phức tạp, xô xát, giờ mới sợ”. Và cũng sau lần đó, ai cũng ngạc nhiên khi biết Tùng đang là cậu sinh viên bỏ trường ôn thi lại.
Cực, nhưng Tùng không bỏ vì mỗi ngày cũng kiếm được hai trăm ngàn. Có tiền, Tùng vẫn không dám nói bố mẹ biết mà lặng lẽ gửi anh trai học Điện Công nghiệp ở Hà Nội, phần còn lại Tùng dồn vào Nam ôn thi.
Cái Tùng tự hào nhất là dù đi làm, bạn vẫn giữ được kiến thức và tháng 7/2007 đậu vào khoa Xã hội học, ĐH KHXH & NV TP. HCM luôn. “Cũng có những hôm mệt nhừ, lấy sách ra lại cất sách vào, nhưng thấy đời công nhân khổ như thế, Tùng càng quyết tâm ôn tập để quay lại học”, Tùng bảo. Và kỷ vật rất quý theo Tùng đến giờ là quyển nhật ký bạn viết trong những ngày làm công nhân bốc vác, làm thợ gỗ đó.
  • Đi làm thêm mùa hè, nhưng khi vào năm, đôi bạn thân Tùng- Thủy vẫn không bao giờ lơi là việc học. Tùng, cậu thợ gỗ năm nào, nay đã là chàng cán bộ đoàn nhiệt tình của khoa Xã hội học và đã là đối tượng Đảng ở trường. Thủy vẫn duy trì kết quả sinh viên khá hàng năm và còn định học thêm nhiều lớp nghiệp vụ khác. Hai bạn cũng vừa hoàn thành Nghiên cứu khoa học “Đời sống vật chất và tinh thần của công nhân khu chế xuất Tân Thuận quận 7, TP. HCM”. Đề tài đạt giải 3 cấp trường và đang được gửi dự thi cấp Thành Đoàn.

About Unknown

Hi ! Chào tất cả các bạn , mình tên là Thái ( Nick name facebook là : Tony Thái ) Mình rất thích sưu tầm những bài học hay từ internet và tập hợp lại chia sẻ cho các bạn . Chúc các bạn nhận thật nhiều ý nghĩa từ website này !
«
Next
Newer Post
»
Previous
This is the last post.